Đề cương ôn tập cuối học kì I môn Ngữ văn 6 - Năm học 2021-2022

docx 5 trang Bình Lê 23/07/2025 100
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập cuối học kì I môn Ngữ văn 6 - Năm học 2021-2022", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề cương ôn tập cuối học kì I môn Ngữ văn 6 - Năm học 2021-2022

Đề cương ôn tập cuối học kì I môn Ngữ văn 6 - Năm học 2021-2022
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ I
Môn: Ngữ văn 6
Năm học:2021-2022
ĐỌC HIỂU
1.Phần văn bản
Câu 1: Nêu khái niệm thơ lục bát, truyện đồng thoại và kí:
- Thơ lục bát là thể thơ có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Một cặp lục bát gồm một dòng sáu tiếng (dòng lục) và một dòng 8 tiếng (dòng bát)
- Truyện đồng thoại là thể loại văn học dành cho thiếu nhi. Nhân vật trong truyện đồng thoại thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân hóa. Vì thế, chúng vừa phản ánh đặc điểm sinh hoạt của loài vật vừa thể hiện đặc điểm của con người.
- Kí là thể loại văn học coi trọng sự thật và những trải nghiệm, chứng kiến của chính người viết. Trong kí, có những tác phẩm thiên về kể sự việc như hồi kí, du kí,có những tác phẩm thiên về biểu cảm như tùy bút, tản văn.
 2. Tiếng Việt:
a. Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ:
* Cách mở rộng câu bằng cụm từ:
+ Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ một từ thành một cụm từ, có thể là cụm động từ, cụm danh từ hoặc cụm tính từ.
+ Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ cụm từ có thông tin đơn giản thành cụm từ có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn.
* Tác dụng của việc mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ: 
- Việc mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ làm cho thông tin của câu trở nên chi tiết, rõ ràng hơn.
* Các loại cụm từ:
- Cụm danh từ: Có danh từ làm thành phần chính.
- Cụm động từ: Có động từ làm thành phần chính.
- Cụm tính từ: Có tính từ làm thành phần chính.
b. Khái niệm Ẩn dụ và Hoán dụ:
- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sụ diễn đạt.
- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
Bài 1: Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi 
          Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm           
         Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người            
         Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng           
         Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường           
          Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
a. Hãy xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? 
b. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. 
c. Nêu biện pháp tu từ ẩn dụ tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên và cho biết tác dụng của việc sử dụng BPTT đó?
d. Tìm từ láy trong đoạn thơ trên và đặt câu với từ láy đó.
e. Hai dòng thơ: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” biểu đạt vấn đề gì?
Gợi ý
a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm.
b. Nội dung chính của đoạn thơ: Qua chuyện cây tre, tác giả ngợi ca phẩm chất của con người Việt Nam: luôn vượt qua khó khăn, gian khổ bằng sức sống bền bỉ, bằng tình yêu thương, tinh thần đoàn kết gắn bó lẫn nhau.
c. Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng phép tu từ: 
+ ẩn dụ (cây tre ẩn dụ cho con người Việt Nam); 
- Tác dụng:
+ Giúp câu thơ thêm sinh động, gợi hình, gợi tả, gợi cảm. Qua đó bộc bộc lộ, đặc tả những phẩm chất vốn có của con người Việt Nam.
d. Từ láy: Bão bùng. HS tự đặt câu
e. Hai dòng thơ: Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con biểu đạt tinh thần chịu thương chịu khó, hi sinh bản thân vì con của cây tre, cũng tức là của con người Việt Nam.
Bài 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
 "Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. Tôi lục hết túi nọ đến cả khăn túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông: 
 - Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả. 
 Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:
- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. 
Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông". 
(Theo Tuốc-ghê-nhép)
a. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ mấy? Ai là người kể chuyện?
b. Khi nhận được hành động chìa tay xin của ông lão ăn xin về phía mình, cậu bé đã cư xử với ông lão như thế nào?
c. Em hiểu câu nói của ông lão đã nói với cậu bé: “Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”nghĩa là gì? Cậu bé nhận được điều gì từ ông lão ăn xin?
d. Xác định từ đơn, từ láy, từ ghép trong câu “Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông”
e. Em rút ra bài học gì qua câu chuyện trên?
Gợi ý:
a. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật “tôi”- cậu bé kể chuyện.
b. Khi nhận được hành động chìa tay xin c của ông lão ăn xin về phía mình, cậu bé đã cư xử với ông lão bằng lời nói, hành động cụ thể:
- Hành động: lục hết túi nọ đến cả khăn túi kia, rất muốn cho ông lão một cái gì đó, nhưng không có tài sản gì đành phải nắm chặt lấy tay ông lão.
- Lời nói: “ Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.”
(HS có thể trả lời cụ thể: Hành động lời nói đó chứng tỏ cậu bé rất xót thương cho ông lão, và chân thành muốn giúp đỡ ông)
c.
- Ý 1: Em hiểu câu nói của ông lão đã nói với cậu bé: “Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”nghĩa là: cậu bé đã cho ông lão sự sẻ chia, cảm thông, sự chân thành và lòng kính trọng.
- Ý 2: Cậu bé nhận được sự biết ơn, thấu hiểu, đồng cảm từ ông lão ăn xin. 
d.
- Từ đơn: tôi, lấy, của, ông
- Từ láy: run run, run rẩy
e. Em rút ra bài học gì qua câu chuyện trên:
- Bài học về sự sẻ chia, yêu thương, chân thành.
- Bài học về lòng biết ơn
Bài 3: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua trời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười lăm nứt nẻ đất ruộng, và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi. Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kĩ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.
Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.
a. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn tích trên?
b. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
c. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Trong đoạn trích có những nhân vật nào? 
d. Tìm, gọi tên các cụm từ đóng vai trò vị ngữ trong những câu sau và cho biết tác dụng của việc mở rộng vị ngữ bằng cụm từ trong câu:
 “Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.” 
e. Cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên trong đoạn trích.
Gợi ý
a. Phương thức biểu đạt: Tự sự và miêu tả
b. Những cảm nhận của nhân vật Sơn về khung cảnh thiên nhiên trong buổi sáng đầu mùa đông.
c. Đoạn trích kể theo ngôi thứ ba. Có các nhân vật: Sơn, mẹ Sơn, chị Sơn. 
d. Các cụm từ đóng vai trò vị ngữ:
 - đã trở dậy: Cụm động từ.
 - đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống: Cụm động từ.
 - nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi: Cụm động từ.
> tác dụng: - Các hoạt động của nhân vật được thể hiện cụ thể, rõ ràng, giúp người đọc hình dung và cảm nhận sâu sắc hơn các hoạt động của nhân vật được thể hiện trong câu văn.
e. Không khí thiên nhiên lúc chuyển mùa, không khí sinh hoạt gia đình lúc có gió lạnh đầu mùa tràn về. Bức tranh mùa đông nổi bật với những gam màu trắng tự nhiên, cảnh vật thiên nhiên lúc giao mùa hiện lên vừa thú vị, vừa bất ngờ, rất đẹp.
 Bài 4: Đặt 3 câu với chủ ngữ là cụm danh từ, vị ngữ là cụm động từ và cụm tính từ.
II. TẠO LẬP VĂN BẢN:
Đề 1. Em hãy viết bài văn kể lại trải nghiệm của bản thân một lần về thăm quê. 
a.Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về một lần trải nghiệm về thăm quê.
+ Hoàn cảnh: địa điểm và thời gian xảy ra trải nghiệm, các nhân vật liên quan. 
+ Vào dịp: Nghỉ hè
+ Đi cùng ai? Đó là quê nội hay quê ngoại?
- Tâm trạng của em khi đó: bồi hồi, lo lắng, vui vẻ 
b. Thân bài
 (Lưu ý: Giới thiệu tình huống (hoàn cảnh: địa điểm và thời gian) cần kết hợp yếu tố miêu tả không gian, cảnh sắc thiên nhiên, con người.)
- Diễn biến của trải nghiệm: 
+ Kể về tâm trạng, cảm xúc của em trước chuyến đi, trên xe, khi xuống xe,
+ Kể những điều em được tận mắt chứng kiến về những thay đổi về quang cảnh của quê hương.
+ Kể lại cảnh đi thăm mộ tổ tiên; gặp gỡ người thân, họ hàng, làng xóm.
+ Kể về những hoạt động của em trong những ngày về thăm quê: Được đi lên rẫy, được về tắm sông, thăm bà, thăm ông, thả diều, câu cá...đêm về ngồi ngắm ông trăng, nghe ông kể chuyện chị Hằng ngày xưa, bà nấu những món ăn ngon (Kết hợp kể với bộ lộ cảm xúc và miêu tả)
+ Kể lại những cảm xúc lúc chia tay người thân, trở về thành phố..
- Điều đặc biệt của trải nghiệm đó khiến em nhớ nó đến tận bây giờ hoặc khiến em thay đổi, tự hoàn thiện bản thân. 
c. Kết bài: Nêu ý nghĩa của kỉ niệm đối với bản thân hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm ấy.
Đề 2. Viết một đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát mà em yêu thích.
a. Mở đoạn: Giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm xúc chung về bài thơ.
b. Thân đoạn: Trình bày chi tiết cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. 
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ.
- Nêu cảm xúc về ý nghĩa, chủ đề của bài thơ.
- Nêu lên các lí do khiến em thích.
c. Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân.
Đề 3: Kể về một trải nghiệm của em với một con vật nuôi mà em yêu thích.
a.Mở bài: 
- Giới thiệu trải nghiệm với vật nuôi của mình. 
- Tâm trạng của em khi đó: vui vẻ, xúc động, lo lắng
b. Thân bài:
- Kể lại diễn biến của câu chuyện theo trình tự nhất định (tự thời gian, không gian, các sự việc đã sắp xếp theo trình tự hợp lí chưa, làm nổi bật nhân vật, sự việc chính)
+ Kỉ niệm thú vị nào về vật nuôi khiến em nhớ nhất: vật nuôi bị ốm, vật nuôi bị đi lạc, học bơi hay em cùng vật nuôi đi chơi
+ Miêu tả về bộ lông, tâm trạng vui mừng hoặc lúc sợ hãi của nó.
+Miêu tả tập tính của vật nuôi...
+ Bài học sâu sắc em nhận ra: tình yêu động vật, ý nghĩa của tình bạn
c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về trải nghiệm với con vật nuôi, bài học về cách đối xử với động vật.

File đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_cuoi_hoc_ki_i_mon_ngu_van_6_nam_hoc_2021_202.docx