Giáo án Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2020-2021 - Trường THCS Liên Bão

docx 15 trang Bình Lê 08/01/2025 50
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2020-2021 - Trường THCS Liên Bão", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo án Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2020-2021 - Trường THCS Liên Bão

Giáo án Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2020-2021 - Trường THCS Liên Bão
SANG THU
 (Hữu Thỉnh)
HỆ THỐNG KIẾN THỨC CƠ BẢN 
 I. Tác giả, tác phẩm:
1. Tác giả:
- Nguyễn Hữu Thỉnh sinh năm 1942.
- Quê quán : Ở huyện Tam Dương, Tỉnh vĩnh Phúc.
- Ông sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống nho học nhưng đã trải qua tuổi thơ ấu không dễ dàng: ở 6 năm với bác ruột, 10 tuổi đã phải đi phu, làm mọi đủ thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp.
- Sau hoà bình lập lại, năm1954, ông mới được đến trường.
- Năm 1963 ông tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ, trở thành người lính thuộc trung đoàn 202. Từ đây ông đã tham gia một số hoạt động như học lái xe tăng, làm cán bộ tiểu đội, dạy bổ túc văn hoá, viết báo và làm cán bộ tuyên huấn. Nhiều năm tham gia chiến đấu tại Miền Bắc, đã trải qua khắp các chiến trường máu lửa như đường 9.
- Sau 1975, ông học đại học văn hoá và là những sinh viên khoá đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du.
- Từ năm 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ biên tập, trưởng ban thơ, phó tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ quân đội.
- Từ năm 1990 đến nay, ông chuyển sang công tác và trở thành tổng biên tập tuần báo văn nghệ, tham gia ban chấp hành Hội nhà văn các khoá 3,4,5, uỷ viên ban thư kí khoá 3
- Sự nghiệp văn chương:
+ Đề tài : 
Trong chiến tranh: viết về người lính và hiện thực.
 Sau chiến tranh: Viết về cuộc sống ở thôn quê.
+ Phong cách: Tha thiết, nhỏ nhẹ, sâu lắng, suy ngẫm.
+ Một số tác phẩm chính: “Âm vang chiến hào”, “Đường tới thành phố” “Từ chiến hào tới thành phố”, “Khi bé Hoa ra đời”, “Thư gửi mùa đông”.
2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác :
- Bài thơ được in trong tập thơ “Từ chiến hào tới thành phố”.
- Ông sáng tác bài thơ này khi ông tham gia viết văn quân đội ở một làng ngoại thành Hà Nội (Nay là Khương hạ - Thanh Xuân - Hà Nội). Hữu Thỉnh kể “Hôm đó tiết trời vừa chớm thu, tôi chèo lên cây ổi thật, không phải vì muyốn ăn và vì thấy nó đẹp. Tự nhiên hương ổi ngào ngạt, tôi không nỡ hái. Và ngay trên cây ổi, tôi viết bài “Sang thu”.
- Bài thơ được sáng tác năm 1977, đất nước vừa bước sang hoà bình, Hữu Thỉnh đã sáng tác bài thơ này với tâm hồn người lính vừa ra khỏi bom đạn chiến tranh vì thế nên càng đắm say, hạnh phúc khi được hưởng mùa thu hoà bình.
b. Bố cục
- Khổ 1: Những tín hiệu lúc giao mùa.
- Khổ 2: Bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa.
 - Khổ 3: Những suy tư và chiêm nghiệm của nhà thơ.
II. Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật :
Những tín hiệu giao mùa:
- Sang thu ở đây là chớm thu, lúc thiên nhiên giáo mùa. Mùa hè vẫn chưa hết mà mùa thu đã tới có những tín hiệu đầu tiên. Trước sự thay đổi tinh tế ấy, phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được.
- Với Hữu Thỉnh mùa thu bắt đầu thật giản dị:
 “ Bỗng nhận ra hương ổi
 Phả vào trong gió se”.
- Nếu trong bài thơ “Đây mùa thu tới” - Xuân Diệu cảm nhận thu sang là rặng liễu thu buồn ven hồ “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang; Tóc buồn buông xuống lệ hàng ngàn” thì Hữu Thỉnh lại cảm nhận mùa thu bằng những nét rất riêng, rất mới: Không phải là hương hoa cau ngan ngát, hương hoa sữa nồng nàn, hương hoa thiên lí thoang thoảng hay hương cốm đặc biệt mà mùa thu bất chợt hiện diện với hương ổi chín thơm lựng như sánh lại trong gió hanh se.
- Tác giả nhận ra mùa thu qua tín hiệu đầu tiên là “hương ổi” - là thứ hương thơm quê mùa dân dã. Đó là thứ hương dìu dịu, nhè nhẹ đặc trưng của mùa thu. Hương ổi lúc này đang ở độ đậm nhất, thơm nồng, quyến rũ nên mới phả vào làn gió se. Gió se là làn gió nhẹ, khẽ chỉ có ở mùa thu. Nhận ra hương ổi ấy là cảm nhận tinh tế của một nhà thơ sống giữa đồng quê và nhà thơ đã mang đến cho chúng ta một mùa thu dân dã mà thi vị. Ông đã phát hiện ra một nét đẹp đáng yêu của mùa thu vàng nông thôn Bắc Bộ. Hương ổi gắn liền với bao kỉ niệm thời thơ ấu là mùi vị quê hương đã thấm đẫm trong tâm tưởng của nhà thơ và cứ mỗi độ thu về nó lại trở thành tác nhân gợi nhớ. 
 Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự rằng: “giữa đất trời mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kì lạ thì điều kiện làm cho tâm hồn tôi lay động, giật mình là hương ổi. Với tôi, thậm chí với những người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi thơ ấu, gợi nhớ tới buổi chiều vàng với dòng sông thanh bình, một dòng sông lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong những vườn ổi chín ven sông” 
- Động từ “phả” sử dụng thật có hồn. Tại sao tác giả lại không dùng các động từ khác như “lan, tan, tỏa, hòa” mà lại dùng động từ “phả”? Phả là tỏa vào, trộn lẫn với tốc độ mạnh, bất ngờ. Ở đây không phải là gió mang theo hương ổi mà là những quả ổi chín phả hương vào trong gió, làm cho ngọn gió cũng trở nên thơm tho ngọt ngào, làm thức dậy cả không gian vườn ngõ.
- Tác giả nắt gặp hương thu và có phần ngạc nhiên, bất ngờ trước sự thay đổi của thời tiết. Từ “bỗng” diễn tả cảm giác ngỡ ngàng của tác giả khi bắt gặp mùi hương ổi chín. Sự bất ngờ này đó đợi sẵn từ lâu trong tâm hồn nhà thơ, nhưng phải đến giờ mới có cơ hội để bộc bạch.
+ Sau hương ổi và gió se là sương thu :
 “Sương chùng chình qua ngõ
 Hình như thu đã về”.
- “Chùng chình” là từ láy có nghĩa là: cố ý nán lại. Dùng từ láy “ chùng chình” kết hợp với phép nhân hóa để diễn tả sương. Cách nói này như đó thổi hồn vào cảnh vật, khiến cho sương thu như cũng chứa đầy tâm trạng. Ta hình dung ra làn sương mỏng tang giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm, vương vấn nơi cành ổi, lãng đãng hòa vào với gió se, chầm chậm trôi như đang bâng khuâng, vương vấn, lưu luyến, dùng dằng như muốn giữ mãi khoảnh khắc giao mùa kì diệu này.
+ Thành phần biệt lập tình thái “hình như” diễn tả cảm giác còn ngờ ngợ của tác giả. Thu đến quá đột ngột và bất ngờ nên nhà thơ thấy ngỡ ngàng, bâng khuâng trước sự biến đổi của đất trời lúc sang thu. Đây là sự cảm nhận trong một thoáng, phải tinh tế lắm mới cảm nhận được. Cảm xúc này khác hẳn với cảm xúc của Xuân Diệu khi đón mùa thu sang: “ Đây mùa thu tới mùa thu tới”.
+ Khổ đầu ta thấy những cảm nhận rất riêng, rất mới lạ của Hữu Thỉnh về mùa thu. Bắt đầu không phải bằng những thi liệu mới “hương ổi” chứ không dùng thi liệu quen thuộc trong thơ cổ “hoa cúc vàng” “lá rụng”:
 “ Ngô đồng nhất diệp lạc
 Thiên hạ cộng tri thu”
-> Tóm lại: Nhà thơ cảm nhận mùa thu rất tinh tế, bằng nhiều giác quan : Bắt đầu từ khứu giác “mùi hương ổi”, đến xúc giác “gió se”, cả thị giác “sương chùng chình”. Nhưng hơn cả là nhà thơ đã mở lòng mình đón nhận mùa thu bằng cả tâm hồn và cảm xúc rất riêng.
2. Bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa:
- Sau giây phút ngỡ ngàng và khe khẽ vui mừng, cảm xúc của thi sĩ tiếp tục lan tỏa mở ra trong cái nhìn xa hơn, rộng hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
 Chim bắt đầu vội vã”.
- Không chỉ tinh tế trong viêc phát hiện cảnh vật mà còn tinh tế trong việc miêu tả trạng thái của sự vật. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối lập kết hợp với nhân hóa qua hình ảnh “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”. Tốc độ trái chiều giữa chậm và nhanh. Đó là quy luật không đồng đều của tạo vật ở thời điểm giao thoa. Đó là nét riêng của thời khắc sang thu. 
- Sang thu, dòng sông không còn cuồn cuộn, dữ dội và gấp gáp như những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, đang lắng đọng, đang trầm xuống trong lờ lững như ngẫm nghĩ suy tư.
- Tương phản với dòng sông, chim lại bắt đầu vội vã. Từ “bắt đầu” trong ý thơ được dùng rất độc đáo, bắt đầu vội vã chứ không phải đang vội vã. Nhà thơ phát hiện ra nhịp đập, tốc độ của cánh chim dường như mạnh hơn, nhanh hơn, gấp gáp hơn tù khi mới chớm hơi gió heo may của mùa thu. Phải tinh tế lắm mới nhận ra điều này. Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng, dựng lên hai hình ảnh đối lập, ngược chiều nhau : sông dưới mặt đất, chim trên bầu trời, sông “dềnh dàng” châm rãi, chim “vội vã” lo lắng. Đó là sự khác biệt của vạn vật trên cao và dưới thấp trong khoảnh khắc giao mùa. 
=> Nhà thơ đã gợi ra tốc độ trái chiều của thiên nhiên, sự vật để tạo ra một bức tranh sang thu đang về có những nét êm dịu nhẹ nhàng lại có những nét hối hả, vội vã.
- Đất trời như đang rùng mình thay áo mới, cả bầu trời thu cũng có sự thay đổi: 
 “Có đám mây mùa hạ
 Vắt nửa mình sang thu”
- Trong thơ ca Viêt Nam có không ít những vần thơ nói về đám mây mùa thu : 
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Nguyễn Khuyến) hay “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” (Huy Cận). Hữu Thỉnh lại dùng từ “vắt” để gợi thời điểm giao mùa. Bằng nghệ thuật nhân hóa “đám mây vắt” kết hợp với sự liên tưởng độc đáo, tác giả đó sáng tạo ra một hình ảnh thơ thật đẹp khắc hoạ rõ nét thời điểm giao mùa từ hạ sang thu. Đám mây vắt lên cái ranh giới mong manh và ngày càng bé dần, bé dần đi rồi đến một lúc nào đó không còn nữa để toàn bộ đám mây mùa hạ hoàn toàn nhuốm màu sắc thu. Tuy nhiên trong thực tế thì không có đám mây nào như thế vì mắt thường đây dễ nhìn thấy được sự phân chia rạch ròi của đám mây mùa hạ. Đó là một sự liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ. Thời khắc giao mùa được sáng tạo bằng một tâm hồn tinh tế nhạy cảm độc đáo không chỉ mang đến tâm hồn người đọc mà còn đọng lại những nỗi bâng khuâng trước vẻ đẹp dịu dàng, êm mát của mùa thu. Đám mây như một dải lụa vắt ngang bầu trời nửa đang còn là mùa hạ, một nửa đã nghiêng về mùa thu. Hạ chưa qua, thu đã tới. Động từ “vắt” khiến ta liên tưởng đám mây như một dải lụa, như một tấm khăn voan mềm mại vắt ngang trời. Cái hay của câu thơ là tác giả không miêu tả bầu trời, nhưng ta vẫn thấy được. Chỉ cần một áng mây bâng khuâng, ta có thể thấy bầu trời đang nhuộm nửa sắc thu. Có lẽ đây là câu thơ hay nhất trong sự tìm tòi khám phá của Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc giao mùa. Nó giống như một bức tranh thu được tạc bằng ngôn ngữ.
- Vẫn về đề tài mùa thu, Nguyễn Khuyến có ba bài thơ thu nức danh. Trong ba bài, bầu trời mùa thu đều được miêu tả bằng một gam màu “xanh ngắt”:
 “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Thu ẩm)
 “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Thu điếu)
 “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Thu vịnh)
Mở rộng : Một số bài thơ khác cũng có những ý thơ độc đáo như vậy :
	Trong bài “Chiều sông Thương” - Hữu Thỉnh viết :
 “Đám mây trên Việt Yên
 Rủ bóng về Bố Hạ.”
	Hay trong bài “Trừ tịch” - Nguyễn Khuyến cũng có câu thơ đặc biệt như vậy:
 “Trước đèn nâng chén rốn ngồi
 Một câu thơ vịnh kéo đôi năm liền”. 
3. Những suy tư và chiêm nghiệm của nhà thơ.
- Nếu hai khổ thơ đầu, dấu hiệu của mùa thu khá rõ ràng trong không gian và thời gian, sang khổ thơ cuối vẫn theo dòng cảm xúc ấy, tác giả bộc lộ suy ngẫm của mình về con người và cuộc đời:
 “Vẫn còn bao nhiêu nắng
 Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
 Trên hàng cây đứng tuổi”
- Hình ảnh “nắng và mưa” vốn là hiện tượng của thiên nhiên vận hành theo quy luật riêng của nó. Hữu Thỉnh nhận ra cái nắng mưa hàng ngày, một sự hụt vơi - đấu hiệu chuyển ùa từ hạ sang thu. Nắng vẫn còn vàng tươi nhưng nắng thu trong và dịu hơn cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hè. Mưa cũng vẫn còn nhưng cũng đã vơi nhiều so với những cơn mưa bong bóng kéo dài của mùa hạ. “Vơi dần” không chỉ là mưa ít đi mà là mưa ít nước đi, đây cũng là dấu hiệu của sự chuyển mùa.
- Cái hay của khổ thơ là cách dùng từ, dùng những động từ chỉ trạng thái “còn, vơi, bớt” kết hợp với những phó từ đứng ở trước “vẫn, đã, cũng” để thể hiện sự cảm nhận chính xác, tinh tế của nhà thơ, giúp ta hình dung ra sự biến đổi âm thầm trong lòng cảnh vật. Dường như tác giả đong đếm được cả sự vơi đầy của đất trời.
- Hai chữ “bao nhiêu” thường hướng về một cái gì đong đếm được nhưng sắc nắng làm sao có thể cân đo? Cũng như “vơi” vẫn biết là vơi bớt nhưng vơi bao nhiêu thì ai có thể xác định? Tất cả cũng chỉ là ước lượng mà thôi không có gì là cố định cả. Cách nói mơ hồ của nghệ thuật khác hẳn cách nói khoa học là ở chỗ này. Hữu Thỉnh có lẽ phải rất chú ý để lòng mình bắt nhịp với thiên nhiên thì mới có thể cảm nhận hết sự tinh tế đó.
-> Ở ba câu trên cảnh vật đều biến đổi theo chiều giảm và dễ nhận thấy hơn. Câu thơ cuối cũng cho thấy sự biến đổi của cảnh vật, chỉ có điều nó biến đổi theo chiều tăng và khó nhận biết hơn, cần một sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc hơn: Hàng cây đứng tuổi cũng ngày một già dặn, cứng cáp hơn.
+ Hai câu thơ cuối ngoài ý nghĩa tả thực cũng mang ý nghĩa ẩn dụ:
- Nắng, mưa, sấm: là hình ảnh ẩn dụ chỉ những tác động bất thường của cuộc sống.
- Hàng cây: Ẩn dụ chỉ những con người từng trải.
- Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể là cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người, nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu tác giả nghĩ đến cuộc đời đã đứng tuổi. Phải chăng mùa thu đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian bình yên, bình tâm trước những sóng gió của cuộc đời. Từ hình ảnh thực của thiên nhiên nhà thơ muốn gửi gắm những suy ngẫm, triết lí sâu xa: Con người đó đứng tuổi, từng trải thì càng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.
- Liên hệ thực tế: Đặt bài thơ ra đời năm 1977, khi đó nhà thơ vừa đi qua chiến tranh. Đây là những mùa thu độc lập đầu tiên của người lính. Bởi thế “Sang thu” của Hữu thỉnh khác với người xưa. 
III. Tổng kết:
Nghệ thuật:
 - Thể thơ : năm chữ cô đọng, hàm súc.
 - Hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm. Dùng từ ngữ chính xác, giàu hình ảnh.
 - Biện pháp tu từ: Nhân hóa, ẩn dụ
- Cảm nhận mùa thu rất tinh tế và bằng nhiều giác quan: Khứu giác, thính giác, xúc giác, cảm giác.
2. Nội dung : Bài thơ là cảm nhận tinh tế của tác giả khi đất trời chuyển mình từ hạ sang thu.
B. LUYỆN TẬP
I. DẠNG ĐỀ ĐỌC - HIỂU
ĐỀ ĐỌC - HIỂU SỐ 1
Mở đầu một bài thơ có câu: “Bỗng nhận ra hương ổi”
a. Chép lại hai khổ thơ đầu bài thơ. Cho biết tên tác giả, tên tác phẩm?
b. Tìm thành phần biệt lập có trong khổ thơ đầu và nêu tác dụng của thành phần biệt lập đó?
c. Em hãy chỉ ra các biện pháp tu từ có trong khổ thơ đầu em vừa chép và nêu tác dụng?
Gợi ý:
a. HS chép chính xác khổ thơ. 
Tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm “Sang thu”.
b. Thành phần biệt lập có trong khổ thơ trên là thành phần tình thái: “hình như”
-> Tác dụng của thành phần biệt lập tình thái “Hình như” :
- Thể hiện sự mơ hồ, không chắc chắn, chưa dám tin hẳn vào sự hiện hữu của mùa thu.
- Bộc lộ cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến trước khoảnh khắc giao mùa.
c. Biện pháp tu từ được sử dụng: 
(Hướng dẫn học sinh viết bài hoặc viết đoạn)
- Mở bài: 
+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Nội dung đoạn: Những tín hiệu lúc giao mùa.
+ Trích dẫn
- Thân bài: 
+ Biện pháp tu từ nhân hóa: “sương chùng chình qua ngõ” 
+ Tác dụng: Khiến cho hình ảnh những màn sương. Cách nói này như đó thổi hồn vào cảnh vật khiến cho sương thu cũng như chứa đầy tâm trạng. Ta hình dung ra làn sương mỏng tang giăng mắc nơi đường thôn ngõ xóm, vương vấn nơi cành ổi, lãng đãng hòa vào với gió se, chầm chậm trôi như đang bâng khuâng, lưu luyến, dùng dằng như muốn giữ mỗi khoảnh khắc giao mùa kì diệu này. Hình ảnh đẹp về nàng thu mơ mộng, thanh tao.
Kết bài :
+ Khẳng định lại giá trị của tu từ nhân hoá
+ Liên hệ.
ĐỀ ĐỌC - HIỂU SỐ 2
Cho ngữ liệu sau “Sông được lúc dềnh dàng”
a. Hãy chép tiếp những câu thơ còn lại để hoàn thiện khổ thơ? Nêu nội dung chính của khổ thơ em vừa chép?
b. Em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng các biện pháp tu từ có trong khổ thơ em vừa chép?
Gợi ý:
a. Học sinh chép chính xác khổ thơ thứ hai của bài.
- Nội dung: Đoạn thơ miêu tả quang cảnh thiên nhiên lúc giao mùa từ hạ sang thu. Khổ thơ miêu tả không gian mênh mông với dòng sông như trôi chậm lại sau một mùa hè cuồn cuộn chảy. Thu bắt đầu sang, mưa ít hơn thế nên dòng sông cũng dềnh dàng trôi. Trái ngược với hình ảnh dòng sông, cánh chim bắt đầu vội chuẩn bị cho mùa đông đi tránh rét. Trên bầu trời, một đám mây lơ lửng trôi như một chiếc khăn voan mỏng một nửa vẫn ở mùa hạ nhưng một nửa đã sang thu.
b. Biện pháp nghệ thuật tu từ khổ thơ thứ 2 "Sang thu":
- Mở bài: 
+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Nội dung đoạn: Những tín hiệu lúc giao mùa.
+ Trích dẫn
- Thân bài: 
+ Phép đối: “Sương chùng chình” đối với “chim vội vã “thể hiện sự vận động tương phản, tự nhiên muôn hình vạn trạng. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối lập kết hợp nhân hóa qua hình ảnh “sông dềnh dàng”, “ chim vội vã”. Tốc độ trái chiều giữa chậm và nhanh. Đó là quy luật không đồng đều của tạo vật ở thời điểm giao thoa. Đó là nét riêng của thời khắc sang thu.
+ Chim vội vã - nghệ thuật nhân hóa gợi lên hình ảnh những đàn chim dường như cũng vội vã hơn bởi chúng cũng đã cảm nhận được hơi se lạnh của mùa thu.
+ Biện pháp tu từ nhân hoá “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. “Đám mây vắt” kết hợp với sự liên tưởng độc đáo, tác giả đã sáng tạo ra một hình ảnh thơ thật đẹp khắc họa rõ nét thời điểm giao mùa từ hạ sang thu. Đám mây như một dải lụa vắt ngang bầu trời nửa đang còn là mùa hạ, một nửa đã nghiêng về mùa thu. Hạ chưa qua, thu đã tới. Động từ “vắt” khiến ta liên tưởng dám mây như một dải lụa, như một tấm khăn voan mềm mại vắt ngang trời. Cái hay của câu thơ là tác giả không miêu tả bầu trời, nhưng ta vẫn thấy được. Chỉ cần một áng mây bâng khuâng, ta có thể thấy bầu trời đang nhuộm nửa sắc thu.
Kết bài :
+ Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.
+ Liên hệ.
ĐỀ ĐỌC - HIỂU SỐ 3
Trong bài “Sang thu” - Hữu Thỉnh có hai câu thơ:
 “ Có đám mây mùa hạ
 Vắt nửa mình sang thu”.
Hình ảnh này có nét gần gũi, tương đồng với hình ảnh thơ của bài “Chiều sông Thương” - Hữu Thỉnh:
 “Đám mây trên Việt Yên
 Rủ bóng về Bố Hạ”
Dùng phép phân tích - tổng hợp để làm rõ điều đó.
* Gợi ý: 
- Dùng phép phân tích (trình bày từng bộ phận, phương diện của một vấn đề) và tổng hợp (tức là rút ra cái chung từ những điều đã phân tích) để làm rõ điểm tương đồng, gần gũi về hình ảnh thơ của hai bài thơ.
- Theo đó học sinh có thể viết một trong hai cách sau đây:
* Cách 1:
- Dùng phép phân tích để làm rõ hình ảnh trong bài thơ “Sang thu”.
- Dùng phép phân tích để làm rõ hình ảnh trong bài thơ “Chiều sông Thương”.
- Dùng phép tổng hợp để khẳng định vấn đề: Hình ảnh trong bài thơ “Sang thu” có điểm tương đồng, gần gũi với hình ảnh trong bài “Chiều sông Thương”.
* Cách 2:
- Điểm tương đồng gần gũi về đối tượng cảm xúc: cùng viết về hình ảnh đám mây xuất hiện lúc thu sang.
- Điểm tương đồng, gần gũi về trạng thái các hình ảnh sự vật: tất cả đang chuyển biến, đang vận động.
 Ở bài “ Sang thu”:
- Khoảnh khắc giao mùa được diễn đạt tinh tế qua hình ảnh thơ đẹp, độc đáo.
Bằng cách sử dụng nghệ thuật nhân hoá qua hình ảnh “Đám mây vắt nửa mình sang thu”, nhà thơ khắc hoạ rõ nét thời điểm giao mùa từ hạ sang thu.
- Đám mây như một dải lụa vắt ngang bầu trời nửa đang còn là mùa hạ, một nửa đã nghiêng về mùa thu. Hạ chưa qua, thu đã tới.
Ở bài “Chiều sông Thương”:
Cảnh chiều thu đẹp, thơ mộng bên sông Thương:
- Bằng cách sử dụng nghệ thuật nhân hoá qua hình ảnh “Đám mây trên Việt Yên; rủ bóng về Bố Hạ”, nhà thơ khắc hoạ rõ nét bức tranh chiều thu thật ấn tượng.
- Đám mây như một dải lụa vắt ngang bầu trời nửa đang ở Việt Yên, nửa kia đã nghiêng về Bố Hạ. Việt Yên và Bố Hạ đều thuộc tỉnh Bắc Giang nhưng hai huyện cách nhau bởi con sông Thương. Hình ảnh đám mây một nửa ở vùng này, một nửa kia đã nghiêng về vùng kia. Dường như đám mây có tâm trạng lưu luyến, tiếc nuối
+ Sự tương đồng gần gũi về trạng thái cảm xúc: Tâm trạng bâng khuâng, rung động nhẹ nhàng, tinh tế của nhà thơ trước thiên nhiên.
+ Dùng phép tổng hợp để khẳng định vấn đề: Hình ảnh trong hai bài thơ có nhiều điểm tương đồng, gần gũi.
DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Đề bài: Trong bài thơ “Sang thu”, Hữu Thỉnh viết:
 “Vẫn còn bao nhiêu nắng
 Đã vơi dần cơn mưa
 Sấm cũng bớt bất ngờ
 Trên hàng cây đứng tuổi”
Từ khổ thơ, em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về sự trưởng thành của con người? 
Gợi ý: 
- Dạng bài : Nghị luận xã hội (Nghị luận một tư tưởng đạo đức đạo lí)
1.Về hình thức: 	
- Viết một đoạn văn. 
2.Về nội dung : 
 a. Mở đoạn: 
- Nêu vấn đề cần nghị luận: qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh, nhà thơ đã khái quát lên một quy luật: con người ta, trải qua nhiều biến cố sẽ trưởng thành sẽ càng bình tĩnh, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn.
- Trích dẫn
b. Thân đoạn:
- Giải thích: Trưởng thành không chỉ là sự lớn lên về tuổi tác mà còn là s

File đính kèm:

  • docxgiao_an_ngu_van_lop_9_nam_hoc_2020_2021_truong_thcs_lien_bao.docx